Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chất thải nhựa

Sáng 12/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) đã diễn ra cuộc họp bàn tròn thảo luận về “Định hướng hình thành quan hệ đối tác hành động khu vực ASEAN về rác thải nhựa”. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất xây dựng Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chất thải nhựa.

Tham dự cuộc họp bàn tròn có đại diện cấp cao của WEF, Ngân hàng Thế giới, Bộ Hàng hải Indonesia, và một số doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.Theo Ban tổ chức, đây là Phiên họp bàn tròn quan trọng trong khuôn khổ Diễn đàn WEF với mục đích để các đại biểu tham dự thảo luận một cách cởi mở, thẳng thắn những vấn đề liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực và thế giới. Phát biểu mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề cập nhiều nội dung quan trọng.

Xây dựng công cụ và chính sách mới liên quan đến rác thải nhựa

Mở đầu phát biểu của mình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, ô nhiễm rác thải nhựa là mối quan tâm lớn của khu vực ASEAN nói riêng và của cả thế giới nói chung.
Dẫn con số 80% ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là do các nguồn thải từ đất liền, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn việc đổ rác thải nhựa ra đại dương thì chúng ta đã có một bước tiến lớn để giải quyết vấn đề này”.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các quốc gia thành viên ASEAN đang ứng phó với thách thức về rác thải nhựa đại dương. Trong các cuộc họp tại Indonesia và Thái Lan năm 2017, tại Singapore năm 2018, các sáng kiến và hành động về hợp tác khu vực đã được các nước thành viên ASEAN đề xuất và thúc đẩy.

Các đề xuất bao gồm: Xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia về rác thải biển bao gồm rác thải nhựa siêu nhỏ (vi nhựa); Chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực về quản lý rác thải và 3R (Reduce - Reuse - Recycle), bao gồm cả việc biến chất thải thành năng lượng; Hợp tác để thực hiện các hoạt động tăng cường kiến thức khoa học về rác thải nhựa biển và xây dựng các biện pháp hiệu quả; và nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức giữa các chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và người dân về rác thải nhựa biển.

Về việc làm thế nào để Hợp tác toàn cầu hành động vì rác thải nhựa (GPAP) hỗ trợ những sáng kiến ASEAN trong việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa biển,  Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra 3 nội dung: Thứ nhất, cần có sự chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm; Thứ hai, cùng nhau huy động các quỹ cho các hoạt động chung. Thứ ba, khuyến khích xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bằng việc tăng cường năng lực của khu vực công và tư nhân để quản lý tốt hơn rác thải nhựa… “Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến và quan hệ hợp tác để giải quyết vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Theo Bộ trưởng, cam kết của Việt Nam được thể hiện qua các Hội nghị ở cấp toàn cầu, đó là Việt Nam ủng hộ những sáng kiến, đề xuất của Canada tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, đề xuất của WEF về Hợp tác toàn cầu hành động vì rác thải nhựa (GPAP); ở cấp khu vực, tại Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), Việt Nam đã đề xuất xây dựng Đối tác khu vực về ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa biển ở khu vực các biển Đông Nam Á (SEA).

Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã đề xuất xây dựng một Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, Trung tâm này sẽ được coi là một diễn đàn khu vực để cùng chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến rác thải nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa; xây dựng công cụ và chính sách mới liên quan đến rác thải nhựa; đồng thời, sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho nhà sản xuất và người tiêu dùng để áp dụng tốt hơn 3R; nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc ngăn chặn ô nhiễm rác thải biển… “Tôi hi vọng Hợp tác toàn cầu hành động vì rác thải nhựa (GPAP) có thể ủng hộ, hỗ trợ ASEAN thông qua ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về đề xuất này.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

 

Quang cảnh cuộc họp bàn tròn sáng ngày 12/9

 
Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với ý tưởng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Sau phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi một số nội dung như: Các quốc gia trong khu vực ASEAN cần có sự hợp tác chặt chẽ; việc xác định được các nội dung, nhu cầu và phương thức  để các tổ chức quốc tế hỗ trợ.

Ở cấp độ khu vực và các quốc gia trong ASEAN, cần phải trọng tâm xây dựng và triển khai các chính sách, chiến lược quản lý chất thải nhựa lồng ghép trong chiến lược quản lý chất thải; hình thành và phát triển các cơ chế, chính sách liên quan đến ưu đãi, khuyến khích, tài chính và các ý tưởng đối mới về quản lý chất thải nhựa.
Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa rất cần sự đồng hành của quan hệ đối tác công tư của mỗi quốc gia và trong khu vực ASEAN.

Các đại biểu cũng đã nhấn mạnh đến vai trò của Chương trình 3R (Giảm thiểu, Tái chế, Tái sử dụng) của mỗi quốc gia và cho rằng đây là vấn đề khó và là trở ngại chính trong chiến lược quản lý chất thải nhựa. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề vô cùng cần thiết để lồng ghép vào nền kinh tế tuần hoàn.
Các đại biểu cũng cho rằng, ở cấp độ quốc gia, cần phải xây dựng và phát triển các mô hình, thực tiễn quản lý tốt của địa phương trong quản lý chất thải nhựa như thông tin Ông Luhut Pandjaitan, Bộ Hàng hải Indonesia đã đề cập, để từ đó có thể nhân rộng và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chia sẻ và bày tỏ đồng quan điểm với ý kiến phát biểu Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong việc cần thiết phải có các hỗ trợ tài chính để triển khai các hành động chung trong khu vực, cũng như thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thông qua tăng cường năng lực, tăng cường hợp tác công tư trong quản lý chất thải nhựa và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với đề xuất, ý tưởng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong việc đề xuất Trung tâm nghiên cứu quốc tế về chất thải nhựa.
Cũng tại phiên họp này, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã cam kết sẽ làm việc với các quốc gia trong khu vực ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề rác thải nhựa.
 

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các đại biểu Quốc tế trước giờ khai mạc cuộc họp

Kết thúc cuộc họp, Ban tổ chức đã ghi nhận các thông tin phản hồi của các đại biểu trong việc cung cấp thông tin về quản lý chất thải nhựa của các quốc gia trong khu vực ASEAN. Theo đó, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, các quốc gia trong khu vực ASEAN cần tập trung vào một số nội dung quan trọng, trọng tâm như: giáo dục và nâng cao nhận thức; thay đổi thói quen tiêu dùng nhựa; xây dựng và triển khai chính sách, chiến lược quản lý chất thải nhựa; nghiên cứu và phát triển công nghệ; huy động vốn và đầu tư để giải quyết rác thải nhựa; tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN trong giải quyết rác thải nhựa.

Thông tin phản hồi của các đại biểu sẽ được tổng hợp để từ đó GPAP có thể xây dựng nền tảng cơ bản về các vấn đề, nội dung quan hệ đối tác hành động, nhằm định hướng và xác định các nội dung, cơ chế cụ thể hỗ trợ các khu vực và các quốc gia giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Trên cơ sở thông tin nhu cầu của các quốc gia, Ban tổ chức sẽ tiếp tục làm việc để định hướng nội dung, có cơ chế và có cách tiếp cận phù hợp để hỗ trợ, thúc đẩy giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở cấp độ vùng, làm cơ sở để từng quốc gia trong khu vực tổ chức triển khai, thực hiện…

Sau Phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tham dự Phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo cấp cao WEF, các nguyên thủ của các nước ASEAN, các Bộ trưởng, các doanh nghiệp của khu vực và thế giới. 

Chiều cùng ngày 12/9, Bộ trưởng tham dự Phiên “Tầm nhìn khu vực Mê Công” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; tham dự Dạ hội giao lưu văn hóa Việt Nam tại WEF ASEAN 2018.

Xuân Huy - Việt Hùng

(Theo CTTĐT Bộ TNMT: monre.gov.vn)

  • 9/12/2018 5:51:54 PM